Recents in Beach

Nguyên lý cấu tạo sửa chữa bảo dưỡng thùng nhiên liệu và bầu lọc

I. NHIỆM VỤ, YÊU CẦU VÀ CẤU TẠO CỦA THÙNG NHIÊN LIỆU

1. Nhiệm vụ thùng nhiên liệu

Thùng nhiên liệu dùng để chứa xăng, dự trữ nhiên liệu cho động cơ làm việc trong thời gian nhất định.

2. Yêu cầu thùng nhiên liệu

Cấu tạo đơn giản, ít hư  hỏng, lắp đặt dễ dàng.

3. Cấu tạo thùng nhiên liệu

Cấu tạo thùng nhiên liệu

Thùng chứa xăng được làm bằng kim loại hoặc plastic, thường được đặt ở phía sau xe. Bên trong thùng có các tấm ngăn để tăng độ cứng và ngăn ngừa nhiên liệu khỏi bị xao động đột ngột. Trên thùng chứa xăng có miệng và ống đổ xăng vào thùng, ống thông hơi, bầu lọc xăng, đầu nối với đường ống dẫn xăng đi tới động cơ, bộ báo mức xăng trong thùng xăng và nút xả cặn. Xe đời mới thùng xăng còn có bơm xăng.
Nắp thùng xăng lắp ở miệng đổ xăng vào bình, trên nắp có van hút không khí và van xả hơi xăng để ổn định áp suất trong thùng xăng. Xe ô tô đời mới hơi xăng xả ra được dẫn về thùng than hoạt tính và được hấp thụ ở đây, để tránh gây ô nhiễm môi trường.

II. NHIỆM VỤ, YÊU CẦU VÀ CẤU TẠO CỦA BẦU LỌC

1. Bầu lọc không khí

 a) Nhiệm vụ: Dùng để lọc sạch bụi bẩn trong không khí trước khi đưa vào đường ống nạp, để bảo vệ các chi tiết của động cơ ít bị mài mòn ngoài ra còn giảm tiếng hú của luồng không khí lúc nạp vào họng bộ chế hòa khí.
 Bầu lọc không khí được lắp ở họng hút gió của bộ chế hòa khí, vỏ bình bắt với ống nối bằng đinh vít và đai ốc tai hồng có hai loại bầu lọc, bầu lọc khô và bầu lọc ướt
  b) Yêu cầu: Cấu tạo đơn giản, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế dễ dàng, gây sức cản ít đối với với dòng không khí nạp.
  c) Cấu tạo: Bầu loc không khí có hai loại khô và ướt

* Bầu lọc khô

cấu tạo bầu lọc khô
Lõi lọc khô có hai lần lọc. Lớp bên ngoài của lõi lọc làm bằng xơ sợi tổng hợp, lớp bên trong có bìa cạt tông xếp lượn sóng. Khi động cơ hoạt động không khí qua khe hở giưã nắp, và thân sau đó đi qua lõi lọc không khí đổi hướng vào ống trung tâm vào họng của bộ chế hòa khí, bụi bẩn được lọc sạch

*Bầu lọc ướt

cấu tạo bầu lọc tinh

Gồm: thân (vỏ), lõi lọc lắp chặt trong nắp. Lõi lọc được làm bằng sợi thép hoặc sợi nilon rối đường kính sợi nhỏ khoảng 0,2 - 0,3 mm, đáy bình lọc có chứa dầu nhờn.
Khi động cơ hoạt động luồng không khí đi từ trên xuống theo khe hở giữa thân 1 và lõi lọc 2 tới đáy, gặp mặt thoáng của dầu, luồng không khí đổi hướng 1800 lướt qua mặt dầu nhờn để vòng lên. Do quán tính các hạt bụi lớn dính vào mặt dầu, rồi lắng xuống đáy, còn không khí sạch tiếp tục đi lên qua lõi lọc. Những bụi nhỏ nhẹ được lọc sạch ở lõi lọc không khí sạch đi vào đường ống nạp nạp vào xylanh động cơ.

2. Bầu lọc xăng

Bấu lọc xăng có nhiệm vụ lọc sạch các tạp chất cơ học và nước ra khỏi xăng. Bầu lọc xăng có hai loại bình lọc thô và bình lọc tinh (Hình13-4a,b)
a) Bầu lọc thô (Hình 13.4a) thường đặt gần thùng chứa xăng gồm có vỏ và cốc lọc chứa lõi lọc. Lõi lọc là một chồng các đĩa mỏng 3. Trên mặt đĩa có những nút lồi cao 0,05 mm Tạp chất và nước lắng xuống đáy cốc, nhiên liệu đi qua khe hở giữa những tấm mỏng còn cặn bẩn được giữ lại bên ngoài lõi lọc.
bầu lọc thô và bầu lọc tinh
                            Bình lọc thô                                                                        Bình lọc tinh
Bình lọc tinh gồm có cốc lọc, bên trong có lõi lọc, thường dùng các lõi lọc làm bằng kim loại, gốm hoặc bằng giấy gấp nếp được cuốn xung quanh xương kim loại. Bình lọc tinh được đặt phía trước bộ chế hòa khí.  

III. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG THÙNG NHIÊN LIỆU VÀ BẦU LỌC.

 1. Làm sạch bên ngoài thùng nhiên liệu và bầu lọc.
 2. Tháo và kiểm tra chi tiết thùng nhiên liệu và bầu lọc.
 3. Làm sạch thùng nhiên liệu và thay lõi lọc mới
 4. Lắp thùng nhiên liệu và bầu lọc.

IV. THÁO LẮP THÙNG NHIÊN LIỆU VÀ BẦU LỌC

A. QUY TRÌNH THÁO THÙNG NHIÊN LIỆU 
    1. Làm sạch bên ngoài thùng nhiên liệu.
      . Dùng bơm nước có áp suất cao phun nước rửa sạch các cặn bẩn bên ngoài  thùng nhiên liệu, thổi khí nén làm sạch cặn bẩn và nước.
     2. Xả hết nhiên liệu trong thùng chứa
      . Dùng can chứa nhiên liệu, để đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn cháy, nổ
    3. Tháo đường ống dẫn xăng từ thùng xăng đến bầu lọc và bơm xăng
    4. Tháo thùng xăng ra khỏi xe
    5. Tháo rời các bộ phận lắp trên thùng nhiên liệu  
      - Tháo nắp đậy thùng xăng, ống thông hơi.
      - Tháo bộ phận báo mức nhiên liệu. Chú ý không làm hỏng đầu cắm điện.
      - Súc rửa sạch thùng xăng.
      - Rửa sạch, sắp xếp các chi tiết theo đúng quy định.
B. QUY TRÌNH LẮP THÙNG NHIÊN LIỆU 
(Ngược với quy trình tháo). 
Các chi tiết của thùng nhiên liệu sau khi đã làm sạch, kiểm tra, bảo dưỡng tiến hành lắp lại đúng quy trình.
C. QUY TRÌNH THÁO BẦU LỌC KHÔNG KHÍ
    1. Làm sạch bên ngoài bầu lọc không khí
    2. Tháo ống dẫn thu hồi hơi xăng 
    3. Tháo đai ốc tai hồng và bầu lọc không khí ra khỏi họng bộ chế hòa khí.
    4. Tháo rời phần nắp của bầu lọc không khí ra khỏi thân.
    5. Tháo lõi lọc, chú ý không làm biến dạng lõi lọc. Đổ hết dầu bẩn ở đáy bầu lọc rồi dùng dầu hỏa rửa sạch, thay dầu nhờn mới vào đúng mức dầu tiêu chuẩn. 
    6. Rửa sạch các chi tiết của bầu lọc không khí. Dùng xăng hoặc dầu hỏa để rửa sạch lõi lọc.
D. QUY TRÌNH LẮP BẦU LỌC KHÔNG KHÍ (NGƯỢC VỚI QUY TRÌNH THÁO) 
     - Chú ý bắt chặt ống hút khí hộp trục khuỷu và vòng đai kẹp ở chỗ nối tiếp, không để có hiện tượng lọt khí. 
E. QUY TRÌNH THÁO BẦU LỌC NHIÊN LIỆU
    1. Làm sạch bên ngoài bầu lọc
    2. Tháo các đường ống dẫn xăng. 
    3.  Dùng tay vặn ốc khóa bầu lọc tinh hoặc dùng cờ lê tháo trục bầu lọc thô để tháo rời nắp ra khỏi thân  bầu lọc.
    4. Tháo lõi lọc, lò xo. Chú ý bầu lọc tinh có lõi lọc bằng gốm phải cẩn thận vì gốm dễ vỡ.
  5. Rửa sạch các chi tiết của bầu lọc nhiên liệu. Dùng xăng sạch hoặc dầu hỏa để rửa lỏi lọc, sắp xếp đúng nơi quy định.

G. QUY TRÌNH LẮP BẦU LỌC NHIÊN LIỆU 
(Lắp lại các chi tiết của bầu lọc theo thứ tự ngược với quy trình tháo)
  - Chú ý không làm rách các vòng đệm kín.

V. QUY TRÌNH BẢO DƯỠNG THÙNG NHIÊN LIỆU VÀ BẦU LỌC

 A. BẢO DƯỠNG THÙNG NHIÊN LIỆU
 1. Làm sạch bên ngoài thùng nhiên liệu và bầu lọc.
  . Dùng bơm nước và máy nén khí.
 2. Tháo rời các bộ phận của thùng nhiên liệu và bầu lọc và kiểm tra 
  . Bộ dụng cụ đồ nghề tháo lắp
 3. Làm sạch các bộ phận và thay lõi lọc mới.
  . Dung dịch rửa và lõi lọc mới
 4. Lắp các chi tiết thùng nhiên liệu và bầu lọc.
  . Chọn đúng dụng cụ lắp.
 5. Lau chùi, thu dọn dụng cụ, vệ sinh nơi bảo dưỡng sạch sẽ, gọn gàng.
  * Bảo dưỡng hàng ngày 
    - Kiểm tra mức xăng trong thùng xăng đổ thêm xăng cho ô tô hoạt động.
    - Kiểm tra độ kín của thùng xăng và đầu nối ống dẫn đến thùng xăng, bầu lọc, nếu có hư hỏng phải khắc phục.
   * Bảo dưỡng định kỳ 
    - Kiểm tra độ kín của thùng xăng và chỗ nối ống dẫn xăng hệ thống nhiên liệu khi cần thiết phải khắc phục hư hỏng.

 B. BẢO DƯỠNG BẦU LỌC KHÔNG KHÍ VÀ BẦU LỌC NHIÊN LIỆU
   1. Bầu lọc không khí phải được bảo dưỡng định kỳ ngoài ra nếu xe chạy trên đường nhiều bụi bẩn thì phải rửa hàng ngày, để tránh tắc bầu lọc làm tăng lượng tiêu hao nhiên liệu 
    - Tháo bầu lọc không khí, rửa sạch các chi tiết. Lõi lọc bằng giấy bị tắc bẩn dùng không khí nén thổi sạch, thổi từ trong thổi ra.
làm sạch bầu lọc
   2. Bầu lọc xăng: Tháo bầu lọc xăng đúng quy trình, rửa sạch, kiểm tra các chi tiết. Thay lõi lọc mới. Chú ý không làm rách đệm làm kín.
    - Lắp bầu lọc lại đúng quy trình sau khi đã bảo dưỡng, thay thế các chi tiết.

VI. SỬA CHỮA THÙNG NHIÊN LIỆU VÀ BẦU LỌC

A. HƯ HỎNG CỦA THÙNG NHIÊN LIỆU, BẦU LỌC VÀ NGUYÊN NHÂN
   1. Thùng nhiên liệu
   a) Hư hỏng
   Thùng nhiên liệu thường bị móp méo, nứt, thủng làm cho nhiên liệu bị chảy, rò rỉ, tiêu hao nhiên liệu tăng. Cung cấp nhiên liệu không đủ cho động cơ hoạt động.
   b) Nguyên nhân
   Do bị va chạm mạnh và sử dụng lâu ngày thùng bị rỉ rét.
   2. Bầu lọc
   a) Hư hỏng
   Thân, nắp bầu lọc bị nứt, vỡ, móp méo, chờn ren các đầu nối. Đệm làm kin bị rách, lõi lọc bị bẩn tắc, lõi lọc tinh bị vỡ, hỏng không lọc sạch không khí và xăng làm cho các chi tiết của động cơ mài mòn nhanh. Cung cấp không khí và nhiên liệu không đủ cho động cơ hoạt động.
   b) Nguyên nhân
   Chịu lực va chạm mạnh, tháo lắp nhiều lần, sử dụng lâu ngày, nhiên liệu bẩn, không bảo dưỡng bầu lọc đúng định kỳ.
B. SỬA CHỮA THÙNG NHIÊN LIỆU VÀ BẦU LỌC
  1. Hư hỏng, kiểm tra, sửa chữa thùng nhiên liệu
  a)  Hư hỏng và kiểm tra
     - Hư hỏng:Thùng nhiên liệu bị nứt, thủng, móp méo
     - Kiểm tra: Quan sát bằng mắt các chỗ nứt, thủng rò rỉ xăng và các chỗ bị móp méo đánh dấu vị trí thủng.
   b) Sửa chữa:
Các vết nứt thủng nhỏ, tiến hành súc rửa bằng nước nóng (hết mùi xăng). Làm sạch chỗ thủng sau đó hàn hơi kín và sửa nguội, kiểm tra lại chỗ hàn phải  đảm bảo kín không bị rò rỉ xăng.
     - Thùng xăng bị nứt vỡ, thủng, móp méo nhiều không thể khắc phục được thì thay mới. 
   2. Sửa chữa bầu lọc xăng, bầu lọc không khí
   * Bầu lọc không khí
   a) Hư hỏng và kiểm tra
     - Hư hỏng chủ yếu của bầu lọc không khí là thân, nắp bầu lọc bị móp méo, lõi lọc rách, hỏng.
     - Kiểm tra: Quan sát các chỗ bị móp méo ở thân và nắp, kiểm tra lõi lọc rách, hỏng.
   b) Sửa chữa:
     - Thân nắp bầu lọc bị móp, gò nắn lại các chỗ móp.
     - Lõi lọc rách, hỏng phải thay lõi lọc mới.
  * Bầu lọc xăng
   a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng: Hư hỏng chính của bầu lọc xăng là thân, nắp bầu lọc xăng bị nứt, vỡ, móp méo, chờn ren các đầu nối ống. Lõi lọc tinh bằng gốm bị vỡ. Đệm làm kín bị rách, hỏng.
     - Kiểm tra: Quan sát các chỗ nứt, vỡ móp méo ở thân và nắp, kiểm tra lõi lọc rách, thủng,  chờn ren các đầu nối ống và đệm làm kín bị rách, hỏng.
   b) Sửa chữa:
     - Thân, nắp bầu lọc nứt nhẹ hàn, sửa nguội, bị móp méo nhẹ gò nắn lại.
     -  Chờn hỏng ren các đầu nối ống dẫn thay mới.
     -  Lõi lọc và đệm làm kín bị rách, hỏng phải thay mới đúng loại.
     -   Định kỳ thay bầu lọc mới, thêi gian (tuỳ theo quy định của nhà chế tạo)

Post a Comment

0 Comments